ESG Là Gì? Tiêu Chuẩn ESG Trong Thiết Kế Văn Phòng

Ngày 18 Tháng 07, 2024

Phát triển bền vững” là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong các hội thảo, nghiên cứu, bàn luận chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, một mô hình đo lường sự bền vững không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ các quy định môi trường mà còn phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác. 

Trong số các mô hình đo lường sự bền vững hiện nay, tiêu chuẩn ESG đang là điểm nóng, nhận được sự quan tâm lớn từ phía các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và cá nhân. Vậy ESG là gì? Lời giải nào cho bài toán ESG trong thiết kế văn phòng? Hãy cùng khám phá ngay trong bài viết dưới đây!

Tiêu chuẩn ESG
ESG là gì? Lời giải nào cho tiêu chuẩn ESG trong thiết kế văn phòng?

1. Tiêu chuẩn ESG là gì?

ESG là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường, đánh giá những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn ESG được thể hiện trên 3 khía cạnh chính: E – Environmental (Môi trường), S – Social (Xã hội), G – Governance (Quản trị doanh nghiệp).

Khái niệm ESG được đề cập lần đầu vào năm 1953, trong một ấn phẩm của nhà kinh tế học Hoa Kỳ Howard Bowen, dưới dạng CSR (Corporate Social Responsibility – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh). Tiêu chuẩn ESG được biết đến rộng hơn khi xuất hiện trong báo cáo có tên “Who cares wins” (Ai quan tâm chiến thắng) của Liên Hợp Quốc năm 2003.

Trải qua hơn 2 thập kỷ, từ một hệ thống thể hiện các khía cạnh môi trường, xã hội, con người riêng biệt, tiêu chuẩn ESG đã trở thành một thuật ngữ chung để đánh giá bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn ESG là gì
Tiêu chuẩn ESG là gì?

Bộ tiêu chuẩn ESG thể hiện qua 3 chữ cái biểu trưng:

  • E – Environmental (Môi trường): Nhóm tiêu chí đánh giá các yếu tố liên quan đến tác động của doanh nghiệp tới môi trường như quản lý tài nguyên & bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu & phát thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo & xử lý chất thải…
  • S – Social (Xã hội): Đo lường tác động của doanh nghiệp đến xã hội, từ các vấn đề cơ bản nhất như sự hài lòng của khách hàng cho đến các vấn đề có tính bao quát như quan hệ lao động, quyền con người, và tương tác với cộng đồng.
  • G – Governance (Quản trị): Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý và quy trình quản trị của doanh nghiệp, bao gồm khả năng đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm và đạo đức trong quản lý.

2. Lợi ích của việc xây dựng bộ tiêu chuẩn ESG trong thiết kế văn phòng làm việc

Định hướng một chiến lược ESG rõ ràng tương tự như việc xây dựng “nền móng” cho một ngôi nhà bền vững. Việc doanh nghiệp nhận thức và áp dụng ESG vào quá trình xây dựng văn phòng làm việc là cách tiếp cận đơn giản và hữu hiệu nhất, mang lại nhiều giá trị nghiêng về cả hai phía doanh nghiệp và người lao động.

Tiêu chuẩn ESG
Lợi ích của việc xây dựng bộ tiêu chuẩn ESG trong thiết kế văn phòng làm việc

Đối với doanh nghiệp

  • Chiến lược ESG cho thấy giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
  • Việc đạt chứng chỉ ESG được coi như nam châm thu hút nhà đầu tư, khách hàng đến với doanh nghiệp. 
  • Giảm tải áp lực chi phí vận hành nhờ các giải pháp E trong bộ tiêu chuẩn ESG.
  • Nâng cao uy tín thương hiệu, hiện thực hóa hình ảnh doanh nghiệp đang xây dựng.
  • Tạo động lực làm việc, gắn bó của nhân viên bằng cách đáp ứng họ cả về vật chất và tinh thần nơi công sở.
  • Thu hút nhân tài cho doanh nghiệp: Người lao động hiện đại đặc biệt ưu ái những môi trường thể hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh.

Đối với người lao động

  • Mang lại sự hài lòng và sức khỏe cho nhân viên: Một thiết kế văn phòng đáp ứng tiêu chuẩn ESG cải thiện sức khỏe đáng kể so với các văn phòng truyền thống hiện nay nhờ các hệ thống cây xanh, ánh sáng, nhiệt độ, chất lượng không khí lý tưởng.
  • Thúc đẩy cống hiến và gắn bó: Được làm việc trong một môi trường hiện đại, tôn trọng những giá trị bền vững sẽ tiếp thêm động lực cống hiến cho mỗi cá nhân. 

3. Thực trạng ESG tại Việt Nam

Thuật ngữ ESG trong doanh nghiệp đã xuất hiện từ những thập niên trước, tuy nhiên khả năng tiếp cận tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam những năm gần đây mới trở nên sôi nổi. 

Theo Báo cáo ESG Readiness 2022 của PwC Việt Nam, khảo sát 234 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch thực hiện các cam kết ESG trong vòng 2 – 4 năm tới. Tuy nhiên, chỉ có 20% doanh nghiệp đã báo cáo ESG đầy đủ và chỉ 30% doanh nghiệp đã tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh.

Tiêu chuẩn ESG
Thực trạng ESG tại Việt Nam

Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận và thực thi ESG xuất phát từ một số nguyên nhân:

  • Thiếu nguồn lực: Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để có thể triển khai ESG toàn diện.
  • Thiếu hướng dẫn: Hiện nay, chưa có khung pháp lý và hướng dẫn cụ thể về thực hành ESG tại Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai.
  • Thiếu dữ liệu: Các dữ liệu về tiêu chuẩn ESG được cung cấp dựa trên các số liệu thu thập từ các doanh nghiệp nước ngoài là chính, khiến cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả triển khai ESG tại thị trường Việt Nam gặp khó khăn.

Vậy làm thế nào để có thể tiến đến gần hơn với tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp? Hãy cùng theo dõi ngay trong nội dung dưới đây!

4. Lời giải nào cho tiêu chuẩn ESG trong thiết kế văn phòng hiện nay?

Có thể nói, bộ tiêu chuẩn ESG cho doanh nghiệp đánh giá khá toàn diện các khía cạnh từ vi mô đến vĩ mô. Trong khi G được áp dụng nhiều hơn ở cấp lãnh đạo và bộ máy quản trị, thì E và S lại rất phù hợp để triển khai bằng thiết kế văn phòng. 

4.1. Environmental (Môi trường)

Chữ “E” trong tiêu chuẩn ESG đề cập đến trụ cột môi trường – cụ thể là cách doanh nghiệp tác động vào môi trường tự nhiên thông qua quá trình sản xuất, vận hành, quản lý.

Một số yếu tố chính mà tính bền vững nên tập trung vào để giảm thiểu ảnh hưởng của văn phòng làm việc tới môi trường tự nhiên bao gồm:

Sử dụng năng lượng và hiệu quả

Năng lượng là yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể vận hành các thiết bị văn phòng, từ hệ thống chiếu sáng cho đến điều hòa nhiệt độ, độ ẩm không khí… Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các thiết bị này sẽ sản sinh ra một lượng khí thải nhất định, ảnh hưởng tới chất lượng không khí cũng như sức khỏe con người.

Để giảm thiểu tác động này, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Tiến hành đánh giá nguồn năng lượng tiêu thụ hiện tại là một trong những giải pháp được nhắc tới đầu tiên. Doanh nghiệp có thể cân nhắc chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo nếu đủ nguồn lực.
  • Điều chỉnh hệ thống HVAC (Heating, Ventilation, and Air Conditioning – sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí) và bộ điều nhiệt để cần bằng giữa sự thoải mái và giảm tải cho hệ thống năng lượng.
  • Lắp đặt hệ thống chiếu sáng LED tiết kiệm năng lượng và cảm biến chuyển động thích hợp.
  • Kích hoạt chế độ tiết kiệm năng lượng, tự động bật/tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
  • Tận dụng nhiều nguồn sáng tự nhiên hơn bằng một số cách mở rộng hệ thống cửa sổ, thiết kế giếng trời, sắp xếp layout văn phòng sao cho những không gian chức năng thường xuyên sử dụng được đón ánh sáng tự nhiên tối đa.
Tiêu chuẩn ESG
Sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ vào hệ thống cửa kính nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tiết kiệm chi phí

Hiệu quả sử dụng nước

Hầu hết các doanh nghiệp tiêu thụ hàng trăm cho tới hàng nghìn lít nước mỗi ngày cho hoạt động của mình. Giảm thiểu lượng nước sử dụng làm tăng tính bền vững và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể giảm tải áp lực tiêu thụ nước bằng một số phương án đáp ứng tiêu chuẩn ESG như:

  • Kiểm tra mức sử dụng và chi phí hiện tại, đặt mục tiêu cắt giảm khoa học.
  • Lắp đặt vòi chảy thông minh (vòi cảm ứng, vòi khí, vòi áp suất thấp, vòi lưu lượng thấp…), hệ thống xả nước và tưới tiêu tiết kiệm.
  • Chọn cây bản địa phù hợp với khí hậu khu vực, doanh nghiệp nên ưu tiên các loại cây chịu hạn hoặc cây bóng râm để bố trí cảnh quan văn phòng.
  • Sử dụng hệ thống đo lường, kiểm soát nước thông minh, phát hiện kịp thời và xử lý các sự cố rò rỉ, đảm bảo cho quá trình vận hành trơn tru, tiết kiệm.
Tiêu chuẩn ESG
Lựa chọn các loại cây văn phòng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng khu vực

Xem thêm: 5 Tiêu Chuẩn Văn Phòng Xanh Được Các “Ông Lớn” Theo Đuổi

Quản lý chất thải

Các vật liệu được sử dụng để xây dựng, vận hành và cải tạo các tòa nhà trong đó có tòa nhà văn phòng góp phần đáng kể vào lượng chất thải rắn thải ra mỗi trường hằng năm. 

Theo Báo cáo môi trường quốc gia những năm gần đây, tổng lượng chất thải rắn đô thị trung bình là 60 – 80.000 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn xây dựng chiếm từ 10 – 12% và tỷ lệ ở các đô thị lớn có thể lên tới 20 – 25%. Ước tính chất thải rắn xây dựng hàng năm là hơn 2 triệu tấn và con số này có thể tăng lên khoảng 9,6 triệu tấn vào năm 2025 do nhu cầu xây dựng đang tăng rất cao.

Để đáp ứng tiêu chuẩn ESG, các doanh nghiệp cần có các phương án:

  • Xử lý rác thải hiệu quả: Theo dõi, thống kê chi tiết cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tiếp theo đó tiến hành thu gom, phân loại và xử lý theo đúng trình tự và hướng dẫn được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
  • Xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế như hệ thống phân loại rác thải, trang bị thùng ủ rác thải hữu cơ.
  • Hạn chế giấy in công nghiệp, khuyến khích in hai mặt với các tài liệu thường, không phải tài liệu pháp lý, yêu cầu chữ ký.
  • Chọn dụng cụ ăn uống có thể tái sử dụng nhiều lần.
  • Ưu tiên sử dụng đồ dùng làm từ chất liệu tái chế.
  • Giảm thiểu VOCs (Volatile Organic Compounds – Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) nhờ sử dụng đồ nội thất có vật liệu đạt tiêu chuẩn về Formaldehyde.

Những biện pháp này liên quan trực tiếp đến các chỉ số hiệu suất môi trường chính (KPIs) như khí thải nhà kính, cường độ nước và lượng chất thải – cho phép quản lý cơ sở vật chất bền vững.

4.2. Social (Xã hội)

Chữ “S” – trụ cột thứ hai trong bộ tiêu chuẩn ESG, bao quát tác động xã hội của một doanh nghiệp. Điều này liên quan chặt chẽ đến trải nghiệm và sự hài lòng của nhân viên.

Văn phòng được thiết kế, thi công và vận hành với phương châm tập trung vào sức khỏe nhân viên, xây dựng một lực lượng lao động chất lượng, gắn bó.

Tiêu chuẩn ESG
Khu vực giải trí, thư giãn, kết nối

Một số phương án hữu hiệu để lồng ghép trách nhiệm xã hội vào chiến lược xây dựng văn phòng làm việc bao gồm:

  • Sức khỏe và phúc lợi

Nơi làm việc cần đảm bảo an toàn và sức khỏe. Tiêu chuẩn ESG đánh giá nghiêm ngặt tiêu chí này, do đó trong thiết kế văn phòng ESG doanh nghiệp có thể nhấn mạnh vào những yếu tố nội thất mang lại trải nghiệm an toàn và sự hài lòng cho nhân viên cả về thể lực và trí lực:

  • Thiết kế nội thất văn phòng thông minh, ứng dụng công thái học đề có thể mang lại sự thoải mái khi sử dụng, hiệu quả đối với sức khỏe nhân viên.
  • Văn phòng xanh đạt tiêu chuẩn ESG với văn phòng sinh học, nhiều cây xanh, nhiều ánh sáng tự nhiên.
  • Cân nhắc bố trí không gian cải thiện sức khỏe (Wellness Areas) như không gian tương tác (Breakout Space), khu vực chơi cho trẻ (Child Care Area), không gian tập luyện thể thao (Gym/Fitness Center), phòng mát xa (Massage Room), phòng nghỉ (Relaxation / Nap Room)…
  • Một số không gian đặc biệt nguy hiểm như phòng thí nghiệm, nghiên cứu vô trùng cần có các kiến pháp đảm bảo khoa học, an toàn, đặt sức khỏe con người lên hàng đầu.

Khuyến khích giao tiếp và xây dựng cộng đồng

Giao tiếp và xây dựng cộng đồng là một yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn ESG, tập trung vào việc đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và hỗ trợ nhân viên trong công việc và sinh hoạt tại nơi làm việc.

Các giải pháp cho không gian đề cao sự giao tiếp có thể kể đến:

  • Thiết kế giao thông văn phòng thuận tiện di chuyển, hoạt động.
  • Bổ sung các tiện ích liên quan đến đời sống tinh thần như phòng truyền thống, khu vực giải trí, không gian tương tác, khu vực thiền…
  • Tạo cộng đồng thông qua các hoạt động thể chất, câu lạc bộ, cần có một số không gian chức năng như: phòng đào tạo (Training Room), phòng thể chất (Gym/Fitness Center).
  • Cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng văn phòng chi tiết và chính xác để nhận viên có thể tiếp cận các tiện ích một cách dễ dàng.

Văn hóa doanh nghiệp

Tiêu chuẩn ESG
Không gian tương tác với nét thiết kế đặc trưng của doanh nghiệp

Nghiên cứu của Harvard Business Review (2015) chỉ ra rằng: Nhân viên trong môi trường có văn hóa doanh nghiệp tích cực thường có tinh thần làm việc cao hơn, cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao. Cùng chủ đề mối liên hệ giữa văn hóa doanh nghiệp với sự gắn bó của nhân viên, nghiên cứu của Deloitte (2016) cho thấy công ty với văn hóa mạnh mẽ có tỷ lệ duy trì nhân viên cao hơn 30% so với những công ty không có văn hóa rõ ràng.

Hiểu được sự quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, tiêu chuẩn ESG biến nó trở thành một tiêu chí đánh giá & đo lường sự phát triển bền vững của doanh nghiệp hiện đại.

Một số gợi ý để đạt điểm ESG cho tiêu chí này như:

  • Thể hiện tinh thần thương hiệu và mục tiêu phát triển qua phong cách thiết kế & trang trí không gian công sở.
  • Cân bằng công việc và cuộc sống của nhân sự bằng các thiết kế không gian tiện ích trong văn phòng vật lý.
  • Phát huy tối đa công năng của các tiện ích văn phòng (phòng giải trí, thể thao) để xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, gắn kết nhân viên (hoạt động học tập, làm việc nhóm, thi đua, thiện nguyện, vui chơi, giải trí).

Xem thêm: LEED Là Gì? Tiêu Chí Đánh Giá Và Phân Hạng Tiêu Chuẩn LEED

5. Làm thế nào để phát triển chiến lược ESG trong môi trường làm việc?

Nhiều doanh nghiệp khá đau đầu trong việc xây dựng chiến lược thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý phát triển chiến lược khoa học

1. Thiết lập tầm nhìn lãnh đạo

Những vấn đề liên quan đến tầm nhìn và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp cần có sự thấu hiểu, đồng thuận và hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo. 

2. Thu thập thông tin và xác định khung ESG phù hợp

Thu thập thông tin về tình hình hiện tại của doanh nghiệp thông qua các khía cạnh ESG dựa trên các khung báo cáo chuẩn quốc tế như SASB Standards, GRI Standards, GHG Protocol…

Nghiên cứu kỹ lưỡng các chỉ số trong các trụ cột tiêu chuẩn ESG tại doanh nghiệp hiện tại để có thể lựa chọn khung ESG phù hợp. Doanh nghiệp có thể cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực này.

3. Đánh giá thực trạng ESG của doanh nghiệp

So sánh các điều kiện hiện tại của văn phòng với các tiêu chí E – S – G. Việc này giúp xác định những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. 

4. Xác định mục tiêu và mức độ ưu tiên

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp để xác định mục tiêu ngắn – trung – dài hạn. Mục tiêu phải SMART (cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có thời hạn). Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào những mục tiêu trọng yếu mang lại hiệu quả cao nhất.

5. Lên kế hoạch thực thi

Phát triển một kế hoạch ESG lâu dài cho không gian làm việc, đề cập đến các yếu tố cụ thể thông qua mục tiêu, hành động, người chịu trách nhiệm và các chỉ số đánh giá hiệu quả (KPIs). Kế hoạch cần làm rõ:

  • Xác định các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu
  • Phân bổ trách nhiệm và nguồn lực cho từng hạng mục
  • Thời gian và ngân sách cho việc triển khai

6. Triển khai và quản lý

Triển khai theo như kế hoạch và cập nhật thông tin liên tục, chính xác.

7. Đánh giá và đo lường, điều chỉnh

Đánh giá định kỳ hiệu quả của chiến lược ESG. Điều chỉnh chiến lược ESG để thích ứng với những biến động trong môi trường kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.

6. ICADVietnam – Đơn vị tư vấn thiết kế, thi công văn phòng sáng tạo đáp ứng tiêu chuẩn ESG

Với hơn 13 năm kinh nghiệm thiết kế thi công văn phòng sáng tạo, các kiến pháp ICADVietnam mang đến cho khách hàng luôn luôn đề cao và tôn trọng sự bền vững.

Nhận thức sâu sắc được trách nhiệm với con người, môi trường và xã hội, chúng tôi chú trọng đến những thiết kế khắc họa rõ tính E và tính S. Một số công trình tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn ESG do ICADVietnam tư vấn thiết kế thi công như dự án văn phòng IGC Group, RAVI, Kanetora…

Tiêu chuẩn ESG
Khu vực làm việc chung (Working Area) – Văn phòng IGC
Tiêu chuẩn ESG
Khu vực sảnh lễ tân (Reception Area) – Văn phòng Ravi
Tiêu chuẩn ESG
Không gian tương tác (Collaborative Space) tại văn phòng Kanetora

Các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành yếu tố quan trọng giúp các tổ chức thể hiện trách nhiệm xã hội và cam kết bền vững. Việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG cho thiết kế văn phòng doanh nghiệp cũng trở thành một công cụ hiệu quả trên chặng đường xây dựng chiến lược ESG lâu dài. Hãy liên hệ ICADVietnam để nhận được sự tư vấn từ đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp, luôn đón đầu các xu thế kiến trúc theo tiêu chuẩn mới nhất.

CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC VÀ XÂY DỰNG ICAD VIỆT NAM

Địa chỉ: Tầng 2, số 7 Ngõ 282 Kim Giang – Đại Kim – Hoàng Mai – Hà Nội

Hotline: 0983.141.283

Website: icadvietnam.vn

0/5 (0 Reviews)
TƯ VẤN & BÁO GIÁ

TƯ VẤN & BÁO GIÁ!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng ICADViệt Nam! Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn sớm nhất có thể!